80 tuần trước — 15 phút đọc
Trước tiên, chúng ta cần hiểu định nghĩa về nguồn vốn. Nguồn vốn là nguồn hình thành tài sản của doanh nghiệp. Cụ thể, nguồn vốn là những quan hệ tài chính mà thông qua đó doanh nghiệp có thể khai thác hay huy động một số tiền nhất định để đầu tư tài sản cho mục đích hoạt động kinh doanh sinh lợi nhuận của doanh nghiệp.
Vốn có thể được thể hiện dưới các hình thức như tiền, các quỹ tài sản, quyền sở hữu tài sản có giá trị về tiền, …Bên cạnh phản ánh nguồn gốc tài sản của doanh nghiệp, nguồn vốn thể hiện những trách nhiệm kinh tế, pháp lý đối với tài sản đó.
Dựa trên nguồn gốc hình thành tài sản, có 2 loại nguồn vốn là vốn chủ sở hữu và nợ phải trả.
Nguồn vốn chủ sở hữu là nguồn vốn ban đầu do chủ doanh nghiệp bỏ ra để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc lợi nhuận thu được do hoạt động sản xuất kinh doanh. Nguồn vốn chủ sở hữu có đặc điểm là nguồn vốn sử dụng dài hạn và không cam kết phải thanh toán. Doanh nghiệp có thể huy động vốn chủ sở hữu từ:
+ Vốn góp ban đầu
+ Lợi nhuận không chia
+ Vốn từ phát hành cổ phiếu
Nợ phải trả là nghĩa vụ hiện tại của doanh nghiệp phát sinh từ các giao dịch và các sự kiện đã qua mà doanh nghiệp phải có trách nhiệm thanh toán bằng các nguồn lực của mình. Nợ phải trả có đặc điểm là nguồn vốn sử dụng có thời gian kèm theo nhiều ràng buộc như phải thế chấp, phải trả lãi, … Doanh nghiệp có thể huy động vốn nợ từ:
+ Tín dụng Ngân hàng
+ Tín dụng thương mại
+ Phát hành trái phiếu
Nội dung chi tiết các hình thức huy động vốn của doanh nghiệp được trình bày dưới đây.
Các hình thức huy động vốn của doanh nghiệp
Vốn góp ban đầu là phần vốn hình thành do các chủ sở hữu đóng góp khi thành lập doanh nghiệp. Hình thức sở hữu sẽ quyết định tính chất và hình thức tạo vốn của bản thân doanh nghiệp. Với vốn góp ban đầu, doanh nghiệp hoàn toàn chủ động sử dụng vốn, không bị phụ thuộc vào bên ngoài. Tuy nhiên, vốn góp ban đầu thường không lớn, chỉ chiếm khoảng 20% – 30% tổng vốn của doanh nghiệp.
Trong công ty Nhà nuớc, vốn góp ban đầu chính là vốn đầu tư của Nhà nước.
Trong công ty tư nhân, vốn góp ban đầu là vốn đầu tư của chủ công ty tư nhân do người chủ tự đăng ký. Trong công ty TNHH và công ty hợp danh, phần vốn góp ban đầu là tổng giá trị phần vốn góp các thành viên cam kết góp vào công ty.
Trong công ty cổ phần, vốn góp ban đầu là tổng giá trị mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty. Đối với công ty cổ phần, nguồn vốn do các cổ đông đóng góp là yếu tố quyết định để hình thành công ty. Mỗi cổ đông là một chủ sở hữu của công ty và chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trên trị giá số cổ phần mà họ nắm giữ.
Một thuật ngữ thường được nhắc tới là “vốn pháp định”. Vốn pháp định là mức vốn tối thiểu phải có theo quy định của pháp luật để thành lập doanh nghiệp. Để xin đăng kí thành lập doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp phải có đủ vốn pháp định cần thiết. Trong thực tế, vốn tự có của chủ doanh nghiệp thường lớn hơn nhiều so với vốn pháp định, nhất là sau một thời gian hoạt động và mở rộng kinh doanh.
Lợi nhuận không chia là một phần trong lợi nhuận của doanh nghiệp, được dùng để tái đầu tư, hay nói cách khác, là phần lợi nhuận không dùng để chia lãi cổ phần cho các cổ đông. Đối với doanh nghiệp Nhà nước thì việc tái đầu tư phụ thuộc không chỉ vào khả năng sinh lời của bản thân doanh nghiệp mà còn phụ thuộc vào chính sách tái đầu tư của Nhà nước. Đối với công ty cổ phần, việc để lại lợi nhuận khiến họ không nhận được cổ tức (tiền lãi cổ phần) nhưng bù lại, họ có quyền sở hữu số vốn cổ phần tăng lên của công ty.
Hình thức cấp vốn từ lợi nhuận không chia có tác động rất lớn đến nguồn vốn kinh doanh, tạo cơ hội cho công ty thu được lợi nhuận cao hơn trong các năm tiếp theo. Đồng thời, doanh nghiệp có thể tự chủ trong vấn đề tài chính, dễ dàng hơn trong quan hệ tín dụng với Ngân hàng, tổ chức tín dụng và các cổ đông.
Tuy nhiên, nguồn vốn từ lợi nhuận giữ lại có thể gây mâu thuẫn về quyền lợi giữa các nhà quản lý và cổ đông, giảm tính hấp dẫn của cổ phiếu vào thời gian đầu. Việc giữ lại lợi nhuận có thể làm giá cổ phiếu trên thị trường giảm, ảnh hưởng xấu đến doanh nghiệp.
Theo Khoản 2 Điều 4 Luật chứng khoán 2019, cổ phiếu được hiểu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành.
Điều kiện chào bán cổ phiếu ra công chúng bao gồm:
+ Doanh nghiệp có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ mười tỷ đồng Việt Nam trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán;
+ Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán;
+ Có phương án phát hành và phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán được Đại hội đồng cổ đông thông qua;
+ Công ty đại chúng đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng phải cam kết đưa chứng khoán vào giao dịch trên thị trường có tổ chức trong thời hạn một năm, kể từ ngày kết thúc đợt chào bán được Đại hội đồng cổ đông thông qua.
Phát hành cổ phiếu là một công cụ giúp doanh nghiệp thu được lượng vốn lớn để mở rộng và phát triển doanh nghiệp. Hình thức này giúp doanh nghiệp tăng lượng vốn đối ứng để thực hiện các dự án có quy mô lớn hơn, cũng như nâng cao khả năng vay vốn của doanh nghiệp.
Với hình thức này, doanh nghiệp không phải trả lại tiền gốc cũng như không bắt buộc phải trả cổ tức nếu như doanh nghiệp làm ăn không có lãi bởi cổ tức của doanh nghiệp được chia từ lợi nhuận sau thuế.
Tín dụng ngân hàng là giao dịch tài sản giữa ngân hàng với bên đi vay là các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế, trong đó ngân hàng chuyển giao tài sản cho bên đi vay sử dụng trong một thời gian nhất định theo thoả thuận, và bên đi vay có trách nhiệm hoàn trả vô điều kiện cả vốn gốc và lãi cho ngân hàng khi đến hạn thanh toán.Tín dụng ngân hàng có nhiều hình thức thể hiện như: hợp đồng tín dụng từng lần, cho vay theo thời hạn mức tín dụng, thỏa thuận tín dụng tuần hoàn, cho vay đầu tư dài hạn, …
Theo hiệp hội ngân hàng Việt Nam (VNBA) có 40% tổng nhu cầu của các doanh nghiệp được tài trợ bởi tín dụng ngân hàng, 80% lượng vốn cung ứng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ là từ kênh ngân hàng. Các doanh nghiệp sử dụng vốn vay ngân hàng để đầu tư vào tài sản cố định, bổ sung thêm vốn lưu động và phục vụ các dự án.
Sử dụng vốn vay ngân hàng, doanh nghiệp có thể huy động được khối lượng vốn lớn trong ngắn hạn hoặc dài hạn, do vậy đáp ứng nhu cầu về vốn của doanh nghiệp cho các mục tiêu khác nhau. Thêm vào đó, lãi vay ngân hàng được xem là chi phí của doanh nghệp, do đó khi sử dụng vốn vay ngân hàng doanh nghiệp được giảm một phần thuế thu nhập doanh nghiệp. Ngoài ra, so với các nguồn vốn khác thì chi phí cho việc sử dụng tín dụng ngân hàng được coi là rẻ nhất.
Tín dụng thương mại còn được gọi là tín dụng của người cung cấp. Nguồn vốn này là quan hệ tín dụng giữa các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất kinh doanh với nhau, được hình thành trong quan hệ mua bán chịu, mua bán trả chậm hay trả góp. Trong một số công ty, nguồn vốn tín dụng thương mại dưới dạng các khoản phải trả có thể chiếm tới 20% tổng nguồn vốn, thậm chí có thể chiếm tới 40% tổng nguồn vốn
Có ba loại tín dụng thương mại:
+ Tín dụng thương mại cấp cho nhà nhập khẩu (tín dụng xuất khẩu) là tín dụng do người xuất khẩu cấp cho người nhập khẩu để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Tín dụng xuất khẩu được cấp dưới hình thức chấp nhận hối phiếu và mở tài khoản.
+ Tín dụng thương mại cấp cho người xuất khẩu (tín dụng nhập khẩu): là loại tín dụng do người nhập khẩu cấp cho người xuất khẩu để nhập hàng thuận lợi. Tín dụng nhập khẩu được cấp dưới hình thức tiền ứng trước để nhập hàng.
+ Tín dụng nhà môi giới cấp cho người xuất khẩu và nhập khẩu: các ngân hàng thương nghiệp cỡ lớn thường không cấp tín dụng trực tiếp cho các nhà xuất nhập khẩu mà thông qua nhà môi giới. Loại hình này phổ biến ở các nước Anh, Đức, Bỉ và Hà Lan.
Trái phiếu doanh nghiệp là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 01 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận các nghĩa vụ nợ mà doanh nghiệp phải trả cho nhà đầu tư sở hữu trái phiếu đối với một khoản tiền cụ thể (mệnh giá của trái phiếu), trong một thời gian xác định và với một lợi tức quy định.
Theo quy định, đối tượng được phát hành trái phiếu doanh nghiệp gồm:
+ Doanh nghiệp được phát hành trái phiếu là Công ty cổ phần và công ty TNHH được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam. Trái phiếu trong trường hợp này được gọi là trái phiếu doanh nghiệp
+ Tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, hay còn gọi là tổ chức chính quyền như Kho bạc nhà nước. Trái phiếu trong trường hợp này được gọi là trái phiếu kho bạc
+ Chính phủ. Trái phiếu trong trường hợp này được gọi là công trái hoặc trái phiếu chính phủ
Người mua trái phiếu, hay trái chủ, có thể là cá nhân hoặc doanh nghiệp hoặc chính phủ. Tên của trái chủ có thể được ghi trên trái phiếu (trường hợp này gọi là trái phiếu ghi danh) hoặc không được ghi (trái phiếu vô danh).
Ngoài các hình thức huy động vốn như trên, doanh nghiệp còn có thể huy động vốn vay từ cá nhân, tổ chức khác; quỹ đầu tư cá nhân, tổ chức; cho thuê tài chính, …Là một trung tâm tăng trưởng và tài chính cho SME, GroBanc mang tới các giải pháp vay vốn tối ưu, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình huy động vốn cho hoạt động kinh doanh.
GroBanc – Trung tâm Tăng trưởng và Tài chính cho SME
Nguồn tham khảo: VNBA, Luật Dương Gia, Luật LawKey
SMEs là gì? – Định nghĩa SME ở các quốc gia ASEAN
80 tuần trước
Đọc nhiều nhất trong tuần này
Bình luận
Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký để tham gia bình luận