[Sổ tay FTA] Tổng quan FTA Việt Nam 2023 - Phần 4: Cơ hội và thách thức (Kỳ cuối)

[Sổ tay FTA] Tổng quan FTA Việt Nam 2023 - Phần 4: Cơ hội và thách thức (Kỳ cuối)

Xuất khẩu

Linh Nguyen

Linh Nguyen

80 tuần trước — 13 phút đọc

G. Cơ hội

 

1. Ưu đãi về thuế

Khi ký kết các FTA, Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan, trong đó có việc cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan theo một lộ trình nhất định. Hầu hết các nước có biểu thuế áp dụng chung cho tất cả các nước còn lại trong khối. Không chỉ thúc đẩy xuất khẩu, thuế suất giảm dẫn đến cả sự gia tăng nhanh chóng nguồn hàng nhập khẩu giữa các nước trong khối do giá thành rẻ hơn, chất lượng, mẫu mã đa dạng, phong phú hơn.

 

2. Thúc đẩy sản xuất nội địa

Các điều kiện về quy tắc xuất xứ chặt chẽ trong các FTA thế hệ mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất trực tiếp nguyên vật liệu thay thế nhập khẩu, giảm mức độ phụ thuộc vào các nguyên phụ liệu nhập khẩu. Doanh nghiệp nội địa sẽ có động lực nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh và giúp tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho xuất khẩu.

 

3. Cải tiến khoa học công nghệ

Những quy định về quy tắc xuất xứ, kỹ thuật, môi trường đối với xuất khẩu hàng hóa sẽ giúp đẩy mạnh triển khai các tiến bộ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất. Trong tương lai, các doanh nghiệp được kỳ vọng áp dụng các công nghệ mới, các nguyên liệu mới để tạo ra các sản phẩm xuất khẩu có tính năng khác biệt, triển khai các chương trình sản xuất tiết kiệm năng lượng, công nghệ cao, bảo vệ môi trường và người tiêu dùng.

 

4. Nâng cao năng lực cạnh tranh

Các FTA sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh trên ba cấp độ ngành, doanh nghiệp, sản phẩm và ngược lại, các doanh nghiệp tại các nước tham gia phải tạo ra năng lực cạnh tranh để đáp ứng được các quy định trong các FTAs. Từ đó, hàng hóa xuất khẩu sẽ có đủ sức cạnh tranh trong nội khối nói riêng và trên thị trường quốc tế nói chung.

 

5. Phát triển chuỗi cung ứng hàng hóa

Để tận dụng được tốt các ưu đãi thuế quan, hàng hóa của các nước tham gia FTAs phải đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng hàng xuất khẩu. Như vậy sẽ thúc đẩy việc xây dựng và hoàn thiện chuỗi cung ứng hoàn chỉnh từ thiết kế, nguyên phụ liệu, markeing, phân phối tại các nước tham gia FTAs. Cùng với đó, các thị trường FTA mới sẽ mang lại cơ hội nhập khẩu nguyên phụ liệu có chất lượng cho sản xuất hàng xuất khẩu.

 

6. Thu hút đầu tư

FTAs có tác động thúc đẩy hình thành sự lưu chuyển các dòng vốn đầu tư vào sản xuất và xuất khẩu hàng hóa. Do các cam kết trong các FTAs thế hệ mới đảm bảo lợi ích cao và cạnh tranh bình đẳng, hướng tới phát triển bền vững và hỗ trợ tăng trưởng, các nhà đầu tư cùng các thị trường đầu tư mới xuất hiện nên dòng vốn đầu tư lưu chuyển nhanh và mạnh hơn. Các nước thành viên FTA sẽ có nhiều cơ hội trong phát triển xuất khẩu hàng hóa.

 

H. Thách thức

 

1. Yêu cầu về yếu tố kỹ thuật, quy tắc xuất xứ hàng hóa

Yếu tố kỹ thuật và quy tắc xuất xứ hàng hóa luôn là thách thức lớn đặt ra cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam khi tham gia các FTA thế hệ mới. Mục tiêu lớn nhất của các nước trong đó có Việt Nam là tăng cường lợi thế xuất khẩu hàng hóa sang các nước thành viên tham gia FTA. Để đạt được mục tiêu này, hàng hóa xuất khẩu phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu rất cao và phức tạp về kỹ thuật cũng như quy tắc xuất xứ. Yêu cầu này đòi hỏi các ngành sản xuất phải đầu tư phát triển từ nguyên phụ liệu đầu vào cho tới các khâu thiết kế, sản xuất hàng hóa.

 

2. Yêu cầu cao về công nghệ

Yêu cầu cao về công nghệ vừa là thuận lợi, vừa là khó khăn trong phát triển xuất khẩu hàng hóa. Việt Nam chưa thực sự phát triển về lĩnh vực công nghiệp, năng suất còn thấp, công nghệ chưa cao. Để đảm bảo các quy định về kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, môi trường, doanh nghiệp xuất khẩu cần đáp ứng các yêu cầu về công nghệ trong sản xuất. Điều này đòi hỏi việc đầu tư mạnh vào công nghệ, máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại. Đây là một thách thức rất lớn đối với Việt Nam trong sản xuất và xuất khẩu hàng hóa.

 

3. Biện pháp tự vệ từ nước nhập khẩu

Một nước thành viên FTA nhập khẩu hàng hóa và áp dụng biện pháp tự vệ bằng việc tăng thuế xuất đối với nước xuất khẩu khi lượng hàng hóa nhập khẩu này gây thiệt hại đến ngành sản xuất trong nước. Biện pháp này như một hình thức giúp bảo hộ nền sản xuất nội địa khi tham gia FTA. Khi đó, nước xuất khẩu sẽ chịu thiệt hại về kinh tế do không được hưởng các ưu đãi về thuế suất quy định trong các FTA gây ra những khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa tại nước đó.

 

4. Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) với doanh nghiệp trong nước

Tham gia các FTA sẽ thu hút nhiều vốn FDI vào các lĩnh vực sản xuất, đây là một thách thức lớn đối với ngành sản xuất trong nước. Các nhà đầu tư nước ngoài có lợi thế về cả tài chính, công nghệ và thị trường. Với những lợi ích thu được từ các cam kết trong FTA, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đầu tư vào các ngành sản xuất trong nước. Các doanh nghiệp nước ngoài sẽ dịch chuyển nhà máy từ nhiều quốc gia sang các nước được đầu tư, gây ra áp lực cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước. Khi đó, các sản phẩm hàng hóa trong nước sẽ bị cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm của các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là cạnh tranh về giá và chất lượng sản phẩm.

 

5. Điều kiện về lao động

Những tiêu chuẩn cao về lao động là một trong những khó khăn lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia các FTA. Để tránh cạnh tranh không bình đẳng thông qua việc không đảm bảo các điều kiện làm việc cơ bản cho người lao động, các FTA thế hệ mới thường đưa ra những cam kết riêng về lao động. Tuy nhiên, việc chuyển đổi để đáp ứng các tiêu chuẩn về lao động cần có khoảng thời gian nhất định. Việc đáp ứng quy định về lao động để được hưởng các ưu đãi là một thách thức với doanh nghiệp Việt Nam.

 

6. Điều kiện về môi trường

Trong các FTA, những vấn đề môi trường có liên quan đến thương mại đã được đưa vào thành những nghĩa vụ cam kết mang tính ràng buộc mà các nước thành viên phải thực thi thông qua việc sử dụng công cụ về kinh tế. Để thực hiện các điều khoản về môi trường, Việt Nam cần điều chỉnh về chính sách, luật pháp liên quan đến môi trường nhằm khắc phục những bất cập trong việc bảo vệ môi trường khi sản xuất và xuất khẩu hàng hóa.

 

I. Việt Nam cần làm gì?

Để tận dụng cơ hội và vượt qua các thách thức trong xuất khẩu hàng hóa khi tham gia các FTA thế hệ mới, chính quyền Việt Nam cũng như các doanh nghiệp cần có hành động cụ thể. Dưới đây là một số giải pháp được đề xuất bởi Tiến sĩ Trần Thị Thu Hiền, Phòng Thông tin, Thư viện và Xúc tiến Thương mại - Viện Nghiên Cứu Chiến Lược, Chính Sách Công Thương (VIOIT).

 

Giải pháp đầu tiên là hoàn thiện cơ chế, chính sách thương mại, đầu tư. Dòng vốn đầu tư FDI cần được điều chỉnh theo hướng thu hút có chọn lọc, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, ngành sử dụng công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

 

Giải pháp thứ hai là xây dựng các tiêu chuẩn về kỹ thuật đối với hàng xuất khẩu, ban hành quy định, tiêu chuẩn doanh nghiệp được xuất khẩu một số mặt hàng tạo ra sự liên kết giữa nhà xuất khẩu và nhà sản xuất.

 

Giải pháp thứ ba là điều chỉnh cơ cấu mặt hàng xuất khẩu và cơ cấu thị trường xuất khẩu phù hợp với nhu cầu của các thị trường nội khối, thị trường khu vực và thế giới. Ngoài ra, việc điều chỉnh cơ cấu hàng hóa và thị trường còn phải phù hợp với chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam và các chiến lược phát triển khác trong giai đoạn hiện nay.

 

Giải pháp thứ tư là đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ - một trong những yếu tố quan trọng quyết định chất lượng hàng hóa xuất khẩu. Hiện nay, hầu hết doanh nghiệp Việt cần được đầu tư công nghệ để nâng cao, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xuất khẩu, từ đó tạo ra sản phẩm chất lượng đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu, cạnh tranh được với các nước khác.

 

Giải pháp thứ năm là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao. Nguồn nhân lực, bao gồm yếu tố con người và trình độ lao động, quản lý là yếu tố quan trọng quyết định đến hiệu quả sản xuất kinh doanh và xuất khẩu hàng hóa khi thực thi các FTA. Việt Nam có nguồn lao động dồi dào với chi phí rẻ nhưng thiếu đội ngũ có tay nghề, được đào tạo chuyên sâu, dẫn đến năng suất lao động thấp. Doanh nghiệp cần chú trọng quản trị, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao để đáp ứng được các yêu cầu và tận dụng tối đa lợi thế của các FTA.

 

Như vậy, FTA là chìa khóa mở thêm những cách cửa cho doanh nghiệp Việt kết nối với thị trường thế giới. Việc ký kết và thực thi FTA sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, cũng như vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu nhờ những cơ hội kinh doanh và đầu tư mới. Đặc biệt, những FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và RCEP mang tới cơ hội rộng mở hơn, nhưng việc thực thi và tối ưu hóa các tiềm năng mà FTA mang lại vẫn là thách thức với doanh nghiệp Việt Nam. Là một Trung tâm Tăng trưởng và Tài chính dành cho SME với hệ sinh thái số đa dạng, GroBanc hy vọng có thể đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình toàn cầu hóa, tận dụng tối đa những lợi thế mà các FTA mang lại.

 

GroBanc- Trung tâm Tăng tưởng và Tài chính dành cho SMEs

 

(hết)

 

Nguồn tham khảo: Viện Nghiên Cứu Chiến Lược, Chính Sách Công Thương (VIOIT) – Bộ Công Thương

Bình luận

Đăng bởi

Linh Nguyen

Business Manager & Business Development - for GroBanc