[Sổ tay FTA] Tổng quan FTA Việt Nam 2023 - Phần 3: FTA đa phương và FTA “thế hệ mới”

[Sổ tay FTA] Tổng quan FTA Việt Nam 2023 - Phần 3: FTA đa phương và FTA “thế hệ mới”

Xuất khẩu

Linh Nguyen

Linh Nguyen

73 tuần trước — 8 phút đọc

E. Phân loại FTA

 

1. Dựa trên đối tượng ký kết – thành viên tham gia

Dựa trên số lượng thành viên tham gia ký kết FTA, FTA được chia thành hai loại:

 

FTA song phương: FTA được ký kết giữa hai đối tác hướng tới nới lỏng các hạn chế thương mại giữa hai bên, giúp mở rộng cơ hội kinh doanh.

Ví dụ: Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) hay Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Chi Lê (VCFTA)

 

FTA đa phương: FTA được ký kết giữa ba đối tác trở lên.

Ví dụ: Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu (VN – EAEU FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU - bao gồm các nước Liên **** Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Kyrgyzstan).

 

Ngoài ra, dựa trên đối tượng ký kết là quốc gia hoặc tổ chức, và khu vực địa lý, ta còn có thể chia FTA thành hai loại:

 

FTA khu vực: FTA được ký kết giữa các nước trong cùng một tổ chức khu vực.

Ví dụ: Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA)

 

FTA được ký giữa một tổ chức với một nước: FTA được ký kết giữa một tổ chức gồm nhiều nước thành viên với một quốc gia.

Ví dụ: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu ÂU (EVFTA)

 

Trong một số trường hợp, việc phân nhóm này không thật rõ ràng. Ví dụ, FTA giữa Liên minh Châu Âu (EU, bao gồm 27 nước thành viên) hoặc FTA giữa Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU, bao gồm 05 nước thành viên) với Việt Nam có thể được coi là FTA khu vực, cũng có thể được xem là FTA song phương. Việc xếp loại sẽ tùy thuộc vào cách nhìn nhận EU hay EAEU là một khối thống nhất hay tập hợp nhiều nền kinh tế.

 

2. Dựa trên phạm vi và nội dung cam kết

FTA truyền thống: Là các FTA được đàm phán, ký kết trong giai đoạn đầu, thường có phạm vi hẹp, mức độ tự do hóa hạn chế.

 

FTA thế hệ mới: Là các FTA được đàm phán, ký kết trong thời gian gần đây, có phạm vi rộng, mức độ tự do hóa mạnh

 

F. FTA truyền thống và FTA thế hệ mới

 

1. FTA “thế hệ mới”

Thuật ngữ “FTA thế hệ mới” được sử dụng lần đầu tiên từ năm 2007 với các hiệp định thương mại tự do mà Liên minh châu Âu đã đàm phán với các đối tác thương mại của mình. Việc các thành viên của WTO thiếu đi sự đồng thuận dẫn đến sự bế tắc trong các vòng đàm phán Doha kể từ năm 2001. Đây được cho là nguyên nhân chính để thúc đẩy EU thực thi một chiến lược thương mại mới và chiến lược này chính thức được công bố từ năm 2006. Theo đó, EU cam kết phát triển và nâng cao quan hệ thương mại song phương với các đối tác, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh thương mại của các nước EU trên toàn cầu. Với mục tiêu đó, vào năm 2007, EU bắt đầu khởi động các vòng đàm phán các hiệp định thương mại tự do “thế hệ mới” với các nước là đối tác thương mại của mình như Ấn Độ, Hàn Quốc và các nước ASEAN bằng cách tiếp cận toàn diện, gồm nhiều nội dung đổi mới về sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, đầu tư, mua sắm chính phủ, hay phát triển bền vững.

 

Kể từ đó, thuật ngữ “FTA thế hệ mới” được sử dụng một cách phổ biến để phân biệt các FTA được ký kết một cách toàn diện hơn so với những cam kết đã được thiết lập trong các hiệp định của WTO hay FTA truyền thống.

 

Ngoài các hiệp định thương mại tự do của EU với các đối tác thương mại như EU-Nhật Bản, EU-ASEAN, EU-Ấn Độ, FTA EU-Hàn Quốc, … thì các hiệp định thương mại tự do được đàm phán sau đó giữa nhiều đối tác thương mại lớn như Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (T-TIP), Hiệp định Đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP),… cũng áp dụng cách tiếp cận toàn diện này. Đây đều được coi là các hiệp định thương mại tự do “thế hệ mới”.

 

2. Sự khác biệt giữa FTA truyền thống và FTA thế hệ mới

Các FTA truyền thống phân biệt với FTA thế hệ mới ở ba đặc điểm sau:

 

Thứ nhất, các FTA thế hệ mới bao gồm cả các nội dung “phi thương mại”. Các nội dung này trước đây do lo ngại sẽ dựng nên các rào cản đối với thương mại nên đã từng bị đưa ra khỏi các vòng đàm phán WTO. Tuy nhiên, hiện nay trong bối cảnh mới lại được quan tâm bởi nó có ảnh hưởng ngày càng lớn đến vấn đề thương mại của các quốc gia. Những vấn đề “phi thương mại” trên có thể kể đến như lao động, phát triển bền vững, môi trường, quản trị tốt, …

 

Thứ hai, các FTA thế hệ mới bao gồm nhiều nội dung mới hơn FTA truyền thống như mua sắm công, đầu tư, cạnh tranh, khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ, thương mại điện tử, …

 

Thứ ba, các FTA thế hệ mới sẽ xử lý sâu sắc hơn FTA truyền thống về các vấn đề như quyền sở hữu trí tuệ, thương mại dịch vụ, thương mại hàng hoá, các quy tắc xuất xứ, … Chẳng hạn, so với các hiệp định WTO và các FTA truyền thống, thì FTA thế hệ mới có mức độ cam kết rộng và sâu sắc hơn, có thể cam kết cắt giảm thuế gần như là về 0% với hầu hết các hàng hoá và dịch vụ mà không có loại trừ.

 

Qua các điểm khác nhau kể ở trên thì trong số các Hiệp định Thương mại tự do của Việt Nam, có bốn hiệp định được coi là “FTA thế hệ mới” bao gồm Hiệp định Đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA), và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

 

(còn tiếp)

 

Nguồn tham khảo: Bộ Công Thương, Trung tâm WTO

Bình luận

Đăng bởi

Linh Nguyen

Business Manager & Business Development - for GroBanc