80 tuần trước — 7 phút đọc
Tại Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Quốc hội đặt chỉ tiêu tốc độ tăng GDP là 6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 4,5%. Với năm 2023 - năm bản lề quan trọng để thực hiện mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, thì đây là quyết tâm cao của Quốc hội, tuy nhiên việc thực hiện mục tiêu CPI của năm 2023 sẽ không dễ dàng.
Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, năm 2023 dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, lạm phát cao tiếp tục kéo dài và khả năng suy thoái kinh tế ngày càng rõ nét hơn, nhất là tại các nền kinh tế lớn, làm gia tăng rủi ro bất ổn về chính trị, xã hội tại một số quốc gia. Cùng với đó, cạnh tranh chiến lược, địa chính trị giữa các nước trên thế giới vẫn đang diễn ra căng thẳng; thị trường tài chính, tiền tệ của các nước đang phát triển đối mặt với nhiều rủi ro; an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, bão lũ, hạn hán... tiếp tục là các vấn đề cần quan tâm.
Theo đại diện Cục Quản lý giá, kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu nên sẽ phải đối mặt với nguy cơ nhập khẩu lạm phát trước xu hướng tăng giá các mặt hàng nguyên vật liệu, các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới, rủi ro về tỷ giá. Cùng với đó là áp lực từ việc thực hiện lộ trình giá thị trường một số mặt hàng Nhà nước quản lý đã bị lùi thực hiện trong thời gian qua cũng sẽ đặt ra các thách thức cho công tác quản lý, điều hành giá ngay từ đầu năm. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ, kích thích kinh tế cũng sẽ có tác động nhất định lên mặt bằng giá cả.
Chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương nhận định, để đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát của năm 2023 là không đơn giản. Cụ thể, GDP toàn cầu năm 2023 dự báo suy giảm, chỉ tăng 2,5% (thấp hơn cả mức 3,2% của năm 2022). Các nền kinh tế là đối tác chính của Việt Nam (Hoa Kỳ, EU, Nhật...) có nguy cơ rơi và suy thoái. Không những vậy, nước ta sẽ gặp ảnh hưởng bất lợi đến xuất khẩu và vốn FDI. Đây là 2 yếu tố quan trọng đóng góp vào tăng trưởng GDP của Việt Nam Ở chiều ngược lại, các chuyên gia cũng đưa ra nhận định rằng, hiện nay nền tảng kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã tương đối ổn định (nợ công thấp, thâm hụt ngân sách thấp, tỷ giá tương đối ổn định, xuất siêu liên tục nhiều năm...) tạo tiền đề ổn định kinh tế vĩ mô năm 2023. Trong đó, lạm phát thấp dưới 4% trong 7 năm qua (2015 - 2022) sẽ là tiền đề tốt để duy trì CPI dưới 4,5% trong năm 2023.
Trước những yếu tố tích cực và tiêu cực tác động tới công tác kiểm soát lạm phát của năm 2023, nhiều chuyên gia đã đưa ra những con số dự đoán cụ thể. Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, dự báo CPI bình quân năm 2023 sẽ ở mức 4 - 4,5% (từ mức 3,15% năm 2022) do có độ trễ vì nhập khẩu nhiều, lượng cung tiền lớn hơn theo thời vụ cuối năm 2022. Năm 2023 cũng là thời điểm phải chấp nhận tăng một số mặt hàng do nhà nước quản lý (lương cơ bản, giá điện, y tế, giáo dục...).
Ông Ngô Trí Long cho biết, trước đó nhiều ý kiến cho rằng lạm phát của Việt Nam trong năm 2023 có thể vượt qua ngưỡng 4,5% do một vài tổ chức đưa ra. Lý do chính là vì độ trễ của gói phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và lạm phát ở các nền kinh tế đối tác quan trọng có thể vẫn ở mức cao trong năm tới. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng, nếu Chính phủ vẫn kiên quyết thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm mới để thời kỳ 2021 - 2025, thì lạm phát kỳ vọng sẽ ở mức 4%.
Còn theo ông Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, trong thời gian tới lạm phát so với cùng kỳ tại Việt Nam sẽ có xu hướng giảm dần sau khi đạt đỉnh vào tháng 01/2023 nhờ chính sách tiền tệ thận trọng của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2022, cũng như nguy cơ kinh tế thế giới rơi vào suy thoái. Áp lực lạm phát trong năm 2023 có thể đến từ việc Nhà nước điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục cũng như giá điện. Mặc dù vậy, nếu việc điều chỉnh giá được thực hiện trong nửa cuối năm 2023 với mức điều chỉnh không quá lớn, mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4,5%, hay thậm chí dưới 4%, là hoàn toàn khả thi.
Những tin tức mới nhất sẽ được cập nhật trong các bài viết tiếp theo của GroBanc.
GroBanc - Trung tâm Tài chính và Tăng trưởng dành cho SMEs
Nguồn: Bộ Tài Chính (2023)
SMEs là gì? – Định nghĩa SME ở các quốc gia ASEAN
80 tuần trước
Doanh Nghiệp Huy Động Vốn Như Thế Nào?
80 tuần trước
Đọc nhiều nhất trong tuần này
Bình luận
Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký để tham gia bình luận